AcDieu225
Co Vang Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Acdieu

Thư số 28b gởi
Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam

******

Phạm Bá Hoa
Tôi chào đời năm 1930, vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1954, chống lại cuộc chiến tranh do nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gây ra. Trong bang giao quốc tế, quốc gia này đánh chiếm quốc gia kia, không có tên gọi nào khác ngoài hai chữ “xâm lăng”. Sau ngày 30/4/1975, lãnh đạo cộng sản Việt Nam với lòng thù hận đã đày đọa chúng tôi trong hơn 200 trại tập trung mà họ gọi là trại cải tạo, hằng trăm Bạn tôi đến 17 năm, riêng tôi là 12 năm 3 tháng. Tuy tên Quốc Gia và Quân Lực mà tôi phục vụ không còn nữa, nhưng linh hồn trong quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ vẫn nguyên vẹn trong tôi. Tôi không hận thù lãnh đạo Các Anh, nhưng tôi không bao giờ quên quá khứ đau thương tàn bạo mà họ gây ra cho Tổ Quốc, Dân Tộc! Vì vậy mà tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ về Việt Nam cho đến khi quê hương tôi có một chế độ dân chủ tự do thật sự.

Các Anh là Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Xin gọi Người Lính Quân Đội Nhân Dân ngắn gọn là “Các Anh” để tiện trình bày. Chữ “Các Anh” viết hoa mà tôi sử dụng ở đây, bao gồm từ người lính đến các cấp chỉ huy, ngoại trừ lãnh đạo cấp Sư Đoàn, Quân Đoàn, Quân Chủng, Bộ Tổng Tham Mưu, và Bộ Quốc Phòng. Là Người Lính trong quân đội “Nhân Dân”, Các Anh phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc Nhân Dân, vì Tổ Quốc với Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền cũng chỉ một giai đoạn của lịch sử, và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.

Với thư này, tôi tổng hợp tin tức từ nhiều nguồn khác nhau, nhằm giúp Các Anh theo chân một số anh chị em trong nước mà tôi tạm gọi là “Phái đoàn xã hội dân sự” đến Quốc Hội Hoa Kỳ, rồi từ Hoa Kỳ đến Geneve, Thụy Sĩ (Châu Âu), cùng với nhiều phái đoàn từ nhiều nơi khác cũng có mặt, để trình bày cho các quốc gia quan tâm và các tổ chức Nhân Quyền không thuộc chánh phủ, nhận ra tình trạng tồi tệ về Nhân Quyền tại Việt Nam, chỉ vì bày tỏ thái độ yêu nước phản đối Trung Cộng lấn chiếm biển đảo Việt Nam, đồng thời bày tỏ ước vọng một xã hội thật sự dân chủ tự do, mà bị đảng cộng sản hành hạ kiểu côn đồ, bị tra tấn, bị tù giam,... Đó là cách hay nhất để đưa “tình trạng Nhân Quyền tồi tệ tại Việt Nam vào UPR”.

Thứ nhất. Họp kiểm điểm định kỳ tổng quát về Nhân Quyền.

PBH

Cuộc họp “Kiểm Điểm Định Tổng Quát về Nhân Quyền” thứ 18, tiếng Anh là Universal Periodic Review, gọi tắt là UPR, mỗi 4 năm họp một lần. Năm nay có 14 quốc gia phải kiểm điểm trong thời gian 2 tuần lễ kể từ ngày 27/1/2014, trong số đó có cộng sản độc tài Việt Nam vào ngày 5/2/2014, để mỗi quốc gia “kiểm điểm, và trả lời chấp nhận hay khước từ những khuyến nghị của các nước liên quan đến Nhân Quyền”. Ba quốc gia điều hợp hình thành theo thể thức rút thăm, kết quả là Kenya (Châu Phi), Kazakhstan (Châu Âu), và Costa Rica (Châu Mỹ).

Thứ hai. Vận động nhân quyền tại Việt Nam.

Về phía các tổ chức không thuộc chánh phủ, tích cực chuẩn bị cho cuộc vận động Nhân Quyền phản bác sự dối trá của phái đoàn chánh phủ Việt Nam tại kỳ họp UPR thứ 18. Từ đầu tháng 1/2014, đại diện các nhóm No-U Hà Nội, No-U Sài Gòn, Mạng lưới Blogger Việt Nam, Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo, Phật giáo Hòa Hảo truyền thống,người H'Mông, tiếp xúc với đại diện các tòa đại sứ Đức, Thụy Điển, Úc Đại Lợi, Hòa Lan, Na Uy, Liên Minh Châu Âu, và Bỉ tại Hà Nội, với mục đích: “Cung cấp tài liệu vận động sự ủng hộ của các quốc gia này tại kỳ họp UPR thứ 18, lên tiếng đòi Nhân Quyền cho người dân Việt Nam, khi phái đoàn chánh phủ Việt Nam kiểm điểm tình hình nhân quyền vào ngày 5/2/2014”.

Ông Felix Schwarz, tham tán chính trị tòa đại sứ Ðức cho biết; trước khi có cuộc gặp hôm nay, sứ quán đã có nhiều tiếp xúc với các tổ chức hoạt động dân sự được nhà nước Việt Nam cho phép. Những tin tức họ nhận được hoàn toàn khác với tin tức từ các blogger và nhà hoạt động độc lập cung cấp. Do vậy, buổi gặp hôm nay là cơ hội để họ có thêm tin tức cho kỳ họp UPR sắp tới. Bà Elenore Kanter, Bí thư thứ nhất tòa đại sứ Thụy Ðiển, nói lời cảm ơn những tin tức do các nhóm mang lại. Bà nói rằng. tin tức này “thực sự khác với những gì mà tòa đại sứ nhận được từ phía nhà nước” 

Ngoài ra, còn có đại diện của 23 gia đình tù nhân lương tâm gồm thân nhân của Luật sư Lê Quốc Quân, Cù Huy Hà Vũ, Ðỗ Thị Minh Hạnh, và 14 thanh niên công giáo ở Vinh..., tính đến ngày 17/1/2014, đã tiếp xúc với đại diện các tòa đại sứ Canada, Úc, Na Uy, và Thụy Sĩ tại Hà Nội, cùng mục đích với nhóm trên.

Ngày 22/1/2014. Ông Đặng Xương Hùng, Lãnh Sự của Việt Nam tại Genève từ năm 2008 đến năm 2012, sau đó đã tuyên bố bỏ đảng cộng sản. Tháng 10/2013, ông trở lại Genève nộp đơn xin tị nạn chính trị tại đây. Ông kêu gọi cán bộ của Hà Nội tham dự UPR rằng: “Hãy trung thực đứng về phía nhân dân mà nói lên sự thật về nhân quyền bị chà đạp như thế nào”. Đồng thời, ông kêu gọi đồng bào Việt Nam, cùng đứng lên chống lại cộng sản độc tài trấn áp giam nhốt những người tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền.

Thứ haI. Vận động nhân quyền tại Hoa Kỳ.

Nhận lời mời của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền, và nhiều tổ chức theo dõi nhân quyền không thuộc chánh phủ, ngày 12/1/2014, một phái đoàn mà tôi tạm gọi là “Phái đoàn Xã Hội Dân Sự Việt Nam” bắt đầu chuyến đi vận động Nhân Quyền tại Hoa Kỳ và Châu Âu. Phái đoàn gồm: Anh Nguyễn Anh Tuấn, thành viên Mạng lưới Bloggers Việt Nam. Anh Đặng Văn Ngoãn, đại diện Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống. Anh Bùi Tuấn Lâm, đại diện cho No-U Việt Nam từ Sài Gòn. Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo. Ông Trần Văn Huỳnh, thành viên Con Đường Việt Nam, thân phụ của kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức. Cô Đoan Trang, nhà báo độc lập. Luật sư Trịnh Hữu Long. Và thân nhân tù nhân chính trị, có: Bà Nguyễn Thị Kim Liên, thân mẫu củaĐinh Nguyên Kha và Đinh Nhật Uy. Bà Nguyễn Thị Trâm, thân mẫu của Luật sư Lê Quốc Quân. Ngoài ra còn có Bà Trần Thị Ngọc Minh, thân mẫu của cô Đỗ Thị Minh Hạnh từ Ba Lan, và Luật sư Trịnh Hội, thuộc tổ chức VOICE của Cộng Đồng Việt Nam tị nạn hải ngoại, từ Úc Đại Lợi, tất cả cùng đến Hoa Kỳ sau đó sẽ sang Châu Âu. Luật sư Trịnh Hội, là “người phát ngôn” của phái đoàn.

Ngày 14/1/2014. Với sự hỗ trợ của Cộng Đồng Người Việt tị nạn tại Nam California, đã tổ chức buổi họp tại phòng sinh hoạt của nhật báo Người Việt, với sự tham dự của một số tổ chức đang chuẩn bị để cùng đi Genève vận động nhân quyền cho người dân Việt Nam. Ngoài ra, còn có cô Ann Phạm, công dân Canada, thiện nguyện viên của tổ chức VOICE. Tẩt cả cùng nhau trao đổi những tin tức về Nhân Quyền tại Việt Nam, những tin tức từ các tổ chức không thuộc chánh phủ theo dõi Nhân Quyền, và từ các cơ quan dân cử quan tâm đến Nhân Quyền Việt Nam.

Ngày 16/1/2014. Trong buổi điều trần, có ông Trần Văn Huỳnh là cha của anh Trần Huỳnh Duy Thức (trong tù), mẹ của luật sư Lê Quốc Quân (trong tù), và mẹ của anh Đinh Nguyên Kha (trong tù). Cùng với nhóm vận động nhân quyền cho Việt Nam, có cả ký giả Đoan Trang và sinh viên Nguyễn Anh Tuấn. Trong phiên điều trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ hôm nay, ông Trần Văn Huỳnh đă ứng khẩu phát biểu bằng Anh ngữ, dịch sang Việt ngữ như sau:

Xin cảm ơn các thành viên của Ủy ban đă cho tôi cơ hội được nói thay con trai tôi, cũng như Lê Quốc Quân và Đinh Nguyên Kha, mà hai bà mẹ đang đứng cạnh tôi. Chúng tôi có mặt ở đây, vì các con của chúng tôi đang chịu cảnh tù đày ở Việt Nam.

Thứ nhất. Chúng tôi kêu gọi sự can thiệp của qúi vị, vì những đứa con của chúng tôi không làm điều gì sai, họ chỉ đơn giản thực hiện quyền tự do ngôn luận của họ. Ấy thế mà con trai tôi, Trần Huỳnh Duy Thức, bị kết án 16 năm tù giam và 5 năm quản chế sau đó, trong một phiên tòa kéo dài chưa tới một ngày. Do đó chúng tôi kêu gọi Ủy Ban, hăy yêu cầu chính phủ Việt Nam cho Ủy Ban được gặp trực tiếp con trai của chúng tôi và các tù nhân lương tâm khác ở Việt Nam. Nếu yêu cầu của quí vị bị từ chối, hăy đưa nó thành một điều kiện trong việc ký kết thỏa ước TPP. Thứ hai. Chúng tôi thúc giục quí vị ủng hộ để dự luật Nhân quyền Việt Nam tại Thượng Viện Hoa Kỳ thành luật. Và sau cùng. Tôi là thành viên của phong trào Con Đường Việt Nam, một trong nhiều tổ chức xă hội dân sự tại Việt Nam mới được thành lập gần đây, chúng tôi mong rằng, quí vị hỗ trợ chúng tôi tăng cường năng lực, đào tạo, và tài chính. Có như thế những nhà hoạt động chúng tôi mới có thể đấu tranh cho những thay đổi và được trả tự do cho tất cả những tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

Xin cảm ơn quí vị đă chú ý theo dõi”.

Tiếp đây là tóm lược bài điều trần của Bà Trần Thị Ngọc Minh..

Kính thưa quý vị,

Tôi là Trần Thị Ngọc Minh, hôm nay tôi được có mặt ở đây để trình về con gái Út của tôi là Đỗ Thị Minh Hạnh, 28 tuổi, đang là một trong những tù nhân lương tâm tại Việt Nam.

Có thể quí vị không thấu hiểu tình cảnh của công nhân tại Việt Nam, những người phải làm quần quật từ 12 đến 15 tiếng đồng hồ mỗi ngày, nhưng họ phải sống trong những điều kiện hết sức tồi tệ với tiền lương trung bình tương đương 70 mỹ kim mỗi tháng. Công nhân không được tổ chức công đoàn riêng để bảo vệ, trong khi công đoàn của nhà nước chỉ bảo vệ chủ nhân để bốc lột công nhân.
PBH
Con gái tôi Đỗ Thị Minh Hạnh, cùng Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, và Đoàn Huy Chương, đến tận nơi giúp đỡ công nhân đấu tranh với giới chủ bảo vệ các quyền tối thiểu của họ, nhưng cả ba đã bị nhà nước cộng sản Việt Nam bắt ngày 23/2/2010. Phiên tòa ngày 26/10/2010, con tôi cùng hai người bạn không có luật sư bào chữa, bị kết án: “Quốc Hùng 9 năm tù giam, Huy Chương và Minh Hạnh mỗi người 7 năm tù giam tại Trà Vinh”. Cuối tháng 4/2013, con tôi bị chuyển đến trại giam Đồng Nai, Tại đây, con tôi chống lại lệnh cưỡng bức lao động và ngược đãi tù nhân, thì bị Công An chỉ huy các tù nhân cùng đánh con tôi. Hậu quả, con tôi bị đau thần kinh đầu, và có khối U ở ngực trái nhưng nhà tù không đưa đi bệnh viện điều trị. Ngày 02/10/2013, con tôi bị chuyển ra trại giam Thanh Xuân ở Hà Nội. T rên hành trình 1.700 cây số, dù con tôi bị bệnh vẫn bị trói tay và xích chân vào thùng xe như những con vật!.

Thưa quý vị, đảng cộng sản Việt Nam đã lừa dối cả thế giới, lừa dối Liên Hiệp Quốc và cả chính phủ Mỹ về vấn đề công nhân và lao động tại Việt Nam. Từ năm 1995 đến nay đã có gần 5.000 cuộc đình công của công nhân, dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ của những người hoạt động nghiệp đoàn bí mật. Hiện nay, có hàng trăm tù nhân lương tâm đang sống trong địa ngục trần gian tại các nhà tù cộng sản Việt Nam. Tôi xin cung cấp cho Ủy Ban Nhân quyền Tom Lantos, danh sách gần 600 tù nhân chính trị và tôn giáo.

Tôi hiểu quyền lợi kinh tế quốc gia đối với nước Mỹ là trên hết, nhưng đối với chúng tôi nước Mỹ cũng là tấm gương tranh đấu cho nhân quyền. Chính vì vậy mà hôm nay tôi có mặt tại đây để thỉnh cầu quý vị, với vị thế của mình, xin hãy áp lực nhà nước cộng sản Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho con tôi và tất cả những tù nhân lương tâm, nhất là trong khi Hoa Kỳ đang thương thảo hiệp ước đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với họ. Tôi cũng thỉnh cầu quý vị can thiệp với nhà nước cộng sản Việt Nam, cho gia đình tôi bảo lãnh con tôi ra ngoài để đến bệnh viện điều trị căn bệnh mà chúng tôi nghi ngờ với triệu chứng ung thư.
.
Xin cám ơn Quý vị.

Kết quả buổi điều trần, đã có 5 Dân Biểu đỡ đầu cho 5 tù nhân lương tâm, như sau: (1) Dân Biểu Christopher Smith đỡ đầu tù nhân Linh Mục Nguyễn Văn Lý. (2) Dân Biểu David Price đỡ đầu tù nhân Luật Sư Cù Huy Hà Vũ. (3) Dân Biểu Sheila Jackson đỡ đầu tù nhân Tạ Phong Tần. (4) Dân Biểu Alan Lowenthal đỡ đầu tù nhân Nguyễn Tiến Trung. (5) Dân Biểu Chris Van Hollen đỡ đầu tù nhân Đỗ Thị Minh Hạnh.


Thứ ba. Vận động nhân quyền tại Châu Âu.

Ngày 28/1/2014. Vào lúc 3 giờ chiều tại Brussels, thủ đô của Cộng đồng chung Âu châu (EU), đoàn đại diện của Việt Nam đã trình bày với bà Annemie Neyts -nghị viên Châu Âu- về các hoạt động trước, trong, và sau UPR, và tham vấn bà Annemie Neyts về những cách thức hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức xã hội về các cơ chế nhân quyền quốc tế, trong đó có cả các cơ chế của Liên Minh Châu Âu. Bà Annemie Neyts cho biết, EU và Việt Nam đã ký kết Hiệp Định Đối Tác & Hợp Tác vào năm 2012, và nay đang trong tiến trình đàm phán Hiệp Định Thương Mại Tự Do (FTA). Sau khi kết thúc buổi làm việc với bà Annemie Neyts, phái đoàn đã làm việc với bà Therese Murdock, đại diện Liên Minh Dân Chủ Tự Do Châu Âu. Hai bên đã thảo luận về các khả năng hợp tác, trong đó nhấn mạnh tới việc tổ chức những khóa đào tạo về quyền con người và xã hội dân sự cho các bạn trẻ, đặc biệt là các thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam và những người hoạt động về Nhân quyền. “Xã hội dân sự”, là lãnh vực tương đối mới mẽ tại Việt Nam. Bà Murdock cùng với các đại diện Việt Nam, đã đồng ý về tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức xã hội về nhân quyền và vai trò của xã hội dân sự tại Việt Nam.

Ngày 29/1/2014. Tại trụ sở chính của Hội Đồng Châu Âu (EU Council), từ 9 giờ sáng đến 10 giờ 30 sáng, là buổi điều trần về tình hình nhân quyền tại Việt Nam với Nhóm làm việc về Nhân quyền, và Nhóm làm việc về Châu Á, và Châu Úc của Hội Đồng Châu Âu. Hai nhóm này gồm 87 người đại diện cho tất cả các nước thành viên của Liên Minh Châu Âu . Phái đoàn dân sự độc lập Việt Nam, có thêm 3 đại diện của đoàn Việt Nam tại Bỉ tham dự. Phía Việt Nam trình bày xu hướng đàn áp của nhà nước Việt Nam đối với các quyền tự do căn bản của người dân. Dù bị sách nhiễu đàn áp liên tục với những hình thức khác nhau, nhưng sinh hoạt xã hội dân sự và sinh hoạt truyền thông độc lập của nhiều thành phần trong xã hội -đặc biệt là thành phần trẻ- ngày càng phát triển.

PBH


Khoảng 30 câu hỏi từ các nước thành viên Châu Âu, bao gồm vấn đề Nhân Quyền, và các quyền dân sự và chính trị ở Việt Nam. Điển hình là đại diện Pháp hỏi việc thay đổi Hiến Pháp có tạo không gian cho sự thay đổi không?” Đại diện Hòa Lan hỏi về quyền của những người đồng tính. Đại diện Ba Lan hỏi về các rủi ro của phái đoàn có thể gặp sau khi trở về Việt Nam. Đại diện Anh hỏi về tự do ngôn luận, tự do internet và án tử hình. Đại diện Đức hỏi về các hoạt động sau UPR, đồng thời phái đoàn Đức cũng đánh giá cao cuộc gặp của phái đoàn trong nước với tòa đại sứ Đức tại Hà Nội vào tháng 1/2014 vừa qua. Tất cả phần trình bày, câu hỏi, và trả lời, đều bằng Anh ngữ.

Ngày 30/1/2014. Tại lâu đài Palais des Nations giữa Genève, từ 11 giờsáng đến 1 giờ trưa, “Ngày Việt Nam” được các nhóm hội dân sự độc lập trong nước gồm: VOICE. Mạng Lưới Blogger Việt Nam. Dân Làm Báo. Con Đường Việt Nam. Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống. No-U Việt Nam. Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam,  phối hợp cùng Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, International Service for Human Rights, và CIVICUS đứng ra tổ chức. Đến dự, có phái đoàn đại diện các quốc gia Hoa Kỳ, Na Uy, Thụy Sĩ, Liên Hiệp Châu Âu, cùng đại diện các tổ chức quốc tế về nhân quyền có trụ sở tại Geneve như; Văn Bút Quốc tế (PEN International), HRW, ISHR...

Ngay sau đó, phái đoàn tổ chức thành hai nhóm. Một nhóm tiếp xúc với phái đoàn Hoa Kỳ, Hungary, và Costa Rica. Nhóm còn lại làm việc với Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và văn phòng các báo cáo viên Đặc biệt về Nhân Quyền của tổ chức này.

Ngày 2/2/2014. Ông Hillel Neuer, Giám Đốc tổ chức UN Watch có trụ sở tại Genève, với nhiệm vụ giám sát các vấn đề nhân quyền và dân chủ thuộc Liên Hiệp Quốc, chánh thức phản đối nhà cầm quyền Việt Nam đã ngăn chận nhà báo Phạm Chí Dũng (1/2/2014) đi Genève tham dự hội thảo về nhân quyền với tư cách một diễn giả. Hành động đó của Hà Nội đã vi phạm một trong các nguyên tắc trong tiến trình kiểm điểm của Liên Hiệp Quốc.. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi Hội Đồng Nhân Quyền và Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Navi Pillay lên tiếng phản đối sự vi phạm thô bạo này, và bảo vệ những nhà hoạt động nhân quyền dũng cảm của Việt Nam”.

Ngày 4/2/2014, tại Palais Des Nations, Phòng XXV. Ban Tổ Chức Hội Thảo UPR nhấn mạnh đến “Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc” tại Genève. Đầu tiên là lời chào mừng các diễn giả từ Việt Nam đến Genève: Nhà báo
Trần Quang ThànhLuật sư Hà Huy Sơn. Riêng Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã bị Công An giữ lại tại phi trường Tân Sơn Nhất tối ngày 1/2/2014. Sự ngăn chặn này là một hành động vi phạm trầm trọng quyền tự do đi lại của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng. Hội Đồng Nhân Quyền và Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, đã lên tiếng phản đối sự vi phạm thô bạo này của nhà cầm quyền Việt Nam.

Hôm nay là ngày hội thảo quan trọng giữa các tổ chức dân chủ và nhân quyền Việt Nam, và đảng Việt Tân, với các tổ chức quốc tế như: Human Rights Watch, Freedom House, Frontline Defenders, the International Commission of Jurists, the Committee to Protect Journalists, Southeast-Asia Press Alliance, Reporters Without Borders, UN Watch, PEN (Văn Bút Quốc Tế), để có đường lối chung cho ngày họp 5/2/2014.

Ông Leon Saltiel phát biểu: “Chỉ có những nước tôn trọng nhân quyền ở mức cao nhất mới xứng đáng có chân trong Hội Đồng Nhân Quyền, và Việt Nam lại đang tiếp tục vi phạm các quyền tự do bao gồm cả tự do ngôn luận và tự do hội họp. Việt Nam tham gia Hội Đồng Nhân Quyền không phải để thúc đẩy nhân quyền, mà để bảo vệ họ và bạn bè khỏi bị chỉ trích”..

Đại diện của UN Watch, tổ chức phi chính phủ theo dõi các hoạt động ở Liên Hiệp Quốc, phát biểu: “Libya cũng đã từng là thành viên Hội Đng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và đã bị khai trừ khỏi Hội Đồng này”.

Các tổ chức phi chính phủ khẳng định: “Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam không ngừng xấu đi. Theo tổ chức Human Rights Watch, hiện có khoảng từ 150 đến 200 người đang bị giam cầm. Chỉ riêng trong năm 2013, đã có tới 63 người bị bắt chỉ vì tranh đấu cho nhân quyền. Việt Nam có chính sách trấn áp mạnh mẽ nhất vềtự do ngôn luận và tự do báo chí. Điển hình là các cuộc tập hợp bị nghiêm cấm, các nhà ly khai bị sách nhiễu, đe dọa, tra tấn và bị bỏ tù sau những phiên xử như dưới thời Staline. Trong cuộc hội thảo này, các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam và quốc tế cùng đưa ra một danh sách các vụ vi phạm nhân quyền tại Việt Nam với hy vọng thu hút sự chú ý của công luận quốc tế trong kỳ họp UPR thứ 18 này.

Tóm tắt nhà báo Trần Quang Thành trả lời phóng viên Gia Minh đài RFA:

Chưa bao giờ bà con Việt Nam có mặt đông đảo tại Genève để tham dự sự kiện quan trọng như thế này. Không chỉ những người ở Thụy Sĩ, mà rất nhiều người đến đây là từ Pháp, Bỉ, Anh, Canada, Hoa Kỳ, Australia, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển. Hiện giờ người Việt Nam đông đến nỗi trong hội trường không còn chỗ ngồi ..... Người ta quan tâm đến vấn đề nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đàn áp rất thô bạo tự do dân chủ, tự do biểu tình, tự do hội họp, đàn áp tôn giáo một cách trắng trợn. Hôm nay, họ còn đề cập đến vấn đề dân sinh, vấn đề cướp mất ruộng đất của người dân, người lao động bị đàn áp, những người bảo vệ người lao động thì bị tù đày...
Tính đến hôm nay đã có ba cuộc hội thảo khác nhau. Diễn giả rất nhiều người, điển hình trong cuộc hội thảo do VOICE tổ chức có nhiều diễn giả từ trong nước ra như nhà báo Đoan Trang, các blogger như blogger Nguyễn Anh Tuấn, mẹ của tù nhân lương tâm Lê Quốc Quân, mẹ của tù nhân lương tâm Đỗ thị Minh Hạnh. Tại cuộc hội thảo về dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam hôm nay, có luật sư Hà Huy Sơn, tôi là nhà báo nạn nhân của cuộc đàn áp những người bảo vệ công lý và đấu tranh chống tham nhũng”.

Ngày 5/2/2014. Sau khi đại diện nhà nước cộng sản độc tài Việt Nam đọc xong bài “thành tích” nhân quyền, thì số quốc gia muốn lên tiếng quá đông nên Ban Điều Hợp quy định, mỗi quốc gia chỉ có 65 giây để đưa ra khuyến nghị. Nhiều quốc gia yêu cầu nhà nước Việt Nam chấp nhận tất cả các điều tra viên Liên Hiệp Quốc đến Việt Nam quan sát, nhưng phái đoàn cộng sản độc tài Việt Nam chỉ chấp nhận các điều tra viên về chống nghèo đói và y tế đến Việt Nam mà thôi. Xin tóm tắt vài khuyến nghị tiêu biểu:

Hoa Kỳ: Việt Nam nên trả tự do cho các ông Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Điếu Cày, Trần Huỳnh Duy Thức. Yêu cầu Việt Nam bỏ các đạo luật mơ hồ về an ninh quốc gia.

Anh Quốc: Chúc mừng Việt Nam đã tham gia Hội Đồng Nhân Quyền, nhưng nhà nước Việt Nam phải chứng minh thiện chí của mình bằng cách thành lập một cơ quan quan sát nhân quyền theo nguyên tắc quốc tế.
Thụy Sĩ: Việt Nam phải tuân thủ những phán quyết của Ủy Ban Liên Hiệp Quốc Chống Bắt Giữ Tùy Tiện và trả tự do cho tất cả các người được nêu tên trong các phán quyết đó, bao gồm các vị trong vụ án Bến Tre, Đỗ Thị Minh Hạnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Quốc Quân, và các Thanh Niên Yêu Nước. Việt Nam phải tôn trọng quyền của những người đang bị giam cầm, như được phép gặp luật sư, được gặp thân nhân thăm viếng, và không bị hành hạ trong tù
Thụy Điển: 58 bloggers Việt Nam đã bị bỏ tù từ năm 2009 đến nay. Công An Việt Nam vẫn dùng bạo lực không có lý do chính đáng. Việt Nam phải hủy bỏ tất cả điều luật hạn chế tự do ngôn luận như hiện nay.
Bỉ Quốc: Việt Nam phải sửa đổi luật pháp Việt Nam thích ứng với luật pháp quốc tế.
Canada: Việt Nam phải bỏ các điều luật 79, 88, 258, vì nhà nước chi dùng để bắt bớ các nhà dân chủ. Việt Nam phải tôn trọng nguyên tắc xem bị cáo vô tội cho đến khi có phán quyết của tòa. Việt Nam phải chống lại tệ trạng bắt bớ tùy tiện. Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do biểu tình. Canada sẳn sàng giúp đỡ Việt Nam cải thiện bộ luật hình sự
Đan Mạch: Rất quan tâm đến số đông bloggers bị giam cầm. Việt Nam phải bỏ các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia, vì Việt Nam dùng các điều khoản đó để bóp nghẹt tự do ngôn luận.
Serbia: Việt Nam phải bảo đảm tính độc lập của các quan tòa và công tố viên.
France: Việt Nam phải xóa bỏ các điều luật 79, 88, 258.
Ba Lan: Việt Nam cần điều chỉnh pháp luật cho phù hợp với các cơ chế nhân quyền quốc tế. Xây dựng luật pháp theo hướng thừa nhận quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp.
Nhật Bản: Chúng tôi có  những tin tức về việc chính quyền kiểm soát truyền thông, và thúc ép những cá nhân nào phê phán chính quyền và lãnh đạo Đảng, khuyến nghị Việt Nam tôn trọng tự do báo chí kể cả trực tuyến.
Tiệp Khắc: Việt Nam cho phép nhân dân được tham gia vào các cơ cấu chính trị nhà nước, và thực hiện chế độ dân chủ đa nguyên.
Ngày 7/2/2014. Kết thúc kỳ họp, bản phúc trình UPR thứ 18 riêng về Việt Nam đã được Hội Đồng Nhân Quyền thông qua, với 227 khuyến cáo do 106 quốc gia nêu lên, nhưng phái đoàn cộng sản độc tài Việt Nam không trả lời, mà xin “ghi nợ” với lời hẹn sẽ trả lời trong kỳ họp Hội Đồng Nhân Quyền vào tháng 6/2014 tới đây. Nhớ lại kỳ họp UPR thứ 17 hồi tháng 5/2009, với 174 khuyến cáo của 60 quốc gia, cộng sản độc tài Việt Nam chấp nhận 93 khuyến cáo, khước từ 45 khuyến cáo liên quan đến dân chủ tự do và nhân quyền.
Tại Việt Nam, tòa đại sứ Hoa Kỳ phổ biến bản Tuyên Bố chánh thức. Xin tóm tắt các điển chính: (1) Việt Nam vẫn sách nhiễu và bắt giữ những người thực hiện các quyền hạn và các quyền tự do phổ quát, như tự do ngôn luận và lập hội. (2) Việt Nam cũng hạn chế tự do tôn giáo, và việc sách nhiễu các nhà thờ không ghi tên với nhà nước. (3) Chúng tôi quan ngại về sự hạn chế đối với việc thành lập nghiệp đoàn độc lập, về việc sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, và việc chính phủ sử dụng lao động bắt buộc. (4) Chúng tôi cũng thất vọng về việc Việt Nam ngăn cản xã hội dân sự tham gia vào toàn bộ quá trình UPR. (5) Việt Nam cần sửa đổi luật an ninh quốc gia mơ hồ được sử dụng để đàn áp các quyền phổ quát, và thả vô điều kiện tất cả các tù nhân chính trị, như Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Điếu Cày và Trần Huỳnh Duy Thức. (6) Bảo vệ các quyền của người lao động được quốc tế công nhận và tăng cường thực thi luật cấm lao động cưỡng bức.

Sau kỳ họp UPR thứ 18, ông Trần Văn Huỳnh, Bà Nguyễn Thị Trâm, blogger Nguyễn Anh Tuấn, Luật sư Trịnh Hữu Long, và Luật sư Trịnh Hội, sẽ đáp phi cơ sang Australia theo lời mời của Dân biểu Luke Donellan và Cộng Đồng Người Việt tị nạn tại đây (Melbourne và Sydney), tiếp tục vận động nhân quyền cho Việt Nam trong 2 tuần lễ..

Tôi nghĩ, Các Anh cần đọc kỹ đoạn dưới đây mà tôi trích trong bài “Thành quả của chúng ta” của tác giả Vũ Đông Hà (danlambao) như lời tổng kết từ các nguồn tin tức khắp nơi, chính là thể hiện sự thông minh, với những trái tim yêu nước nhiệt thành, và lòng kiên nhẫn vượt mọi gian nguy, xứng đáng được mọi người trân trọng, của những cá nhân cũng như những tổ chức vận động cho một xã hội dân sự trên quê hương Việt tNam: “Thành quả của chúng ta là lần đầu tiên những nhân viên các tòa đại sứ, đại diện Liên Hiệp Quốc, các thành viên quốc gia của Cộng Đồng chung Âu Châu, các Tổ Chức Nhân Quyền Quốc Tế, đã trang trọng ngồi xuống lắng nghe những công dân Việt Nam trình bày hiện trạng Nhân Quyền tại Việt Nam. Những khuyến nghị của các nước Tây phương đặt ra với nhà nước Việt Nam trong kỳ họp UPR thứ 18 tại Genève vừa qua, là kết quả của nhiều người, nhiều tổ chức, từ trong nước ra hải ngoại, Việt Nam lẫn những người bạn ngoại quốc, trong đó một phần là kết quả của gần 20 cuộc tiếp xúc quốc tế của blogger Việt Nam tại Hà Nội, Sài Gòn, Bangkok, Washington DC, Brussels và Genève, bắt đầu từ tháng 7/2013 đến những ngày đầu tháng 2/2014. Thành quả của chúng ta là đẩy mạnh một phương thức tranh đấu mới -tấn công mà không phải tấn công, lên án mà không phải lên án- và những nhà ngoại giao, những thành viên của các tổ chức nhân quyền, đã và đang nhìn những người trẻ Việt Nam bằng con mắt đầy thích thú: “Những con người đang tập trung tranh đấu cho những điều tốt đẹp bằng hành động, thay vì chỉ tập trung vào những cái xấu bằng lời oán than”.

Kết luận.

Tôi thông cảm với Các Anh, là những người sinh ra, lớn lên, học hành, và trở thành Người Lính trong quân đội, tất cả những gì Các Anh học ở trường văn hoá, trường quân sự, lại thường học tập chính trị tại các đơn vị, cộng với những chính sách về các lãnh vực sinh hoạt xã hội, mà Các Anh theo dõi hằng ngày. Trôi dần theo thời gian, chính sách độc tài của cộng sản lan tỏa đến mọi ngóc ngách trong sinh hoạt xã hội, rồi biến thành một nếp trong đời sống thường ngày đối với người dân nói chung, với Các Anh nói riêng từ lúc nào không ai biết.

Nhưng với phương tiện truyền thông trên thế giới ngày nay, trong một chừng mực nào đó, Các Anh có cơ hội tiếp xúc với thế giới tự do ngang qua hệ thống internet mà Các Anh gọi là “trang mạng”, như Các Anh đang đọc lá Thư này. Tôi tin là trong những lúc mà Các Anh sống thật với trái tim và khối óc của chính mình, nhất thiết Các Anh đã và đang có những suy nghĩ ...... Tôi luôn hy vọng là thời gian sẽ giúp Các Anh có được nét nhìn của người tự do như chúng tôi, để nhận ra cộng sản là độc tài và dối trá với nhân dân trong nước và những nhà chính trị quốc tế. Từ đó, Các Anh hãy chọn cho mình một hướng đi, cùng 90 triệu đồng bào thật sự hòa nhập vào Cộng Đồng thế giới tự do, để được ngẫng cao đầu giữa thế giới văn minh lịch sự, và hãnh diện trước những người ngoại quốc đến Việt Nam, tìm hiểu nếp sống văn hóa dân tộc với chiều dài lịch sử ngàn năm trước đã lừng danh thế giới.

Tôi vững tin là Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản tại hải ngoại -đặc biệt là Những Người Cựu Lính Chúng Tôi- sẽ hết lòng hỗ trợ Các Anh và quí vị đồng bào để làm nên lịch sử.

Hãy nhớ:Bà Angela Merkel, Thủ Tướng Cộng Hòa Liên Bang Đức nhận định: “Cộng sản đã làm cho người dân trở thành gian dối”.

Và hãy nhớ: “Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Không có dân chủ, không thể có sự trỗi dậy và phát triển bền vững. Và chính chúng ta phải tranh đấu, vì Dân Chủ Tự Do không phải là quà tặng.

Texas, tháng 02 năm 2014

AcDieu

Tin Buồn

2014

01-2014

02-2014

TIME